Tìm ý tưởng với ngách trong thị trường du lịch

Du khách đến đây có thể tham gia canh tác và trải nghiệm cuộc sống thực tế ở một nông trại.
Cách nay 2 năm, Thái Minh Dân – một kỹ sư chuyên ngành viễn thông tạm gác công việc ở Sài Gòn, quyết định cùng nhóm bạn khởi nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên với “đứa con tinh thần” Yolo Hostel (gọi tắt là Yolo) – một trong những hostel (mô hình lưu trú phổ biến ở các nước phát triển, phục vụ chủ yếu du khách trẻ, thích khám phá, với những phòng hiện đại được bố trí nhiều giường, có quầy bar, không gian sinh hoạt chung) đầu tiên tại Đà Lạt.

Theo chia sẻ của Thái Minh Dân, đa số khách đến Yolo đều là người trẻ, đi theo nhóm, đặt phòng chủ yếu qua kênh online (Facebook, các đại lý đặt phòng online như Agoda, Booking.vn), chuộng không khí gần gũi mà các hostel đem lại, và quan trọng là giá lưu trú chỉ trên dưới 140.000 đồng/người/đêm, dịch vụ, an ninh đảm bảo.

Ông chủ Yolo chia sẻ, cách nay 2 năm, thị trường lưu trú ở Đà Lạt chủ yếu là khách sạn truyền thống, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, homestay, chỉ vài nhóm triển khai mô hình hostel nhưng đến nay, con số hostel đã hơn 200. Nếu cộng với nhà nghỉ giá rẻ thì trên 500 cơ sở. Vì sao lại có sự tăng trưởng này? Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho thấy trong những dịp lễ, Tết, Đà Lạt đều trong tình trạng “cháy phòng”.

Chi phí đầu tư cho mỗi hostel không quá lớn như khách sạn truyền thống, dao động trên dưới 1 tỷ đồng (bao gồm chi phí thuê nhà, thiết kế, trang bị nội thất) nên nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn không ngại bỏ vốn đầu tư.

Theo đại diện của Yolo, kinh doanh hostel đòi hỏi sự chăm chút, sâu sát với nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì sự khác biệt về chất lượng phục vụ là yếu tố để khách quay trở lại.

Chẳng hạn, với Yolo, cơ sở đầu tiên ưu tiên phòng tập thể (nhóm du khách), nhưng trong quá trình kinh doanh lại nhận thấy khách lẻ, khách đôi cũng chuộng mô hình này nên Yolo 2 (tọa lạc trên đường 3 tháng tư TP. Đà Lạt) đã đưa phòng đơn vào khai thác. Nếu trừ các chi phí, mỗi tháng lợi nhuận của mỗi cơ sở dao động từ 50 – 100 triệu đồng, tuy khiêm tốn nhưng lại khá ổn định. Theo kế hoạch phát triển, sau các cở sở ở Đà Lạt, Yolo sẽ mở rộng đến Mũi Né, Nha Trang, Hội An và có thể tại trung tâm TP.HCM.

Yolo Hostel tại Đà Lạt
Cùng với mô hình homestay, hostel, tận dụng lợi thế địa hình và thiên nhiên, một số khu vực ở Lâm Đồng như Lạc Dương, Bảo Lộc cũng bắt đầu nhen nhóm mô hình farmstay (trải nghiệm những kỳ nghỉ ở trang trại). Loại hình du lịch này đã phát triển mạnh ở nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc và một số quốc gia châu Á từ những năm 90, nhưng tại Việt Nam còn khá mới.

Gần đây, cộng đồng Facebook truyền nhau thông tin và hình ảnh về những căn nhà gỗ nằm giữa đồi thông thuộc khu Andante Farm & Lodge tại Lạc Dương (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 40km). Mới hoạt động trong quý I vừa rồi, Andante Farm & Lodge không quảng bá rầm rộ, khách của khu này chủ yếu là người yêu thiên nhiên, thích khám phá và phần lớn là người nước ngoài.

Đại diện Andante Farm & Lodge chia sẻ, với hơn 7ha, nhưng trong giai đoạn này chỉ xây dựng 5 nhà gỗ, phần diện tích còn lại ưu tiên cho vườn rau, hoa quả và cà phê. Du khách đến đây có thể tham gia canh tác và trải nghiệm cuộc sống thực tế ở một nông trại.

Andante Farm & Lodge đảm bảo điện, nước nhưng cố tình không lắp đặt internet để những người đến đây được trở về với thiên nhiên, không mang công việc theo. Mỗi tháng, Andante Farm & Lodge đón bình quân từ 8 – 10 gia đình, có những khách thuê nhà gỗ cả tuần chỉ để thưởng thức những ngày “không công việc, không internet”.

Khi được hỏi vì sao đây là mô hình mới ở Việt Nam nhưng không quảng bá, đại diện Andante Farm & Lodge cho biết, trong giai đoạn đầu, chủ yếu tạo sự lan tỏa từ cộng đồng trên mạng qua những người đã đến đây và trải nghiệm.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *